Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

SỬ DỤNG ĐÈN LED CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Chiếu sáng tiết kiệm năng lượng đã được luật hóa  
Việt nam là đất nước đang phát triển nên nhu cầu điện năng cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa là rất lớn. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng. Một loạt các văn bản pháp luật về chính sách tiết kiệm năng lượng đã được ban hành như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, tại khóa XII, kỳ họp thứ 7; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ thị số 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2011 về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện; gần đây nhất là văn bản số 112/BCT-TCNL ngày 06/01/2016 của Bộ công thương về việc xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020. Thành phố Hà nội cũng không nằm ngoài chương trình này với quyết định 5815/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND Thành phố Hà nội về Phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà nội giai đoạn 2016-2020 trong đó tập trung nhấn mạnh về tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng.
Theo các số liệu của các cơ quan thống kê có uy tín, điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng và các nhu cầu sinh hoạt chiếm 20% toàn bộ điện năng sản xuất ra ở các nước phát triển trên thế giới. Điều đó buộc các quốc gia phải tìm các biện pháp giảm tiêu thụ điện năng của những thiết bị chiếu sáng một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, điện năng trong chiếu sáng công cộng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiêu thụ điện và được nhà nước bao cấp, nên tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng công cộng chính là tiết kiệm ngân sách. Trong những năm vừa qua, tại Hà nội cũng như ở các thành phố khác trên cả nước đều đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng như cắt bớt chế độ ban đêm, giảm ½ lượng đèn chiếu sáng, dùng bộ điện tiết giảm công suất (dimming),… Tuy nhiên những phương pháp này chưa phải là tối ưu vì vẫn làm giảm chất lượng chiếu sáng, thiếu đi tính đảm bảo an toàn trong giao thông và tính thẩm mỹ đô thị.
Chiếu sáng đô thị hiện nay không chỉ là đảm bảo ánh sáng phục vụ hoạt động giao thông, an ninh an toàn mà nó còn hướng tới giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan đô thị và tăng cường tiện nghi thị giác, cũng như làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị. Vì vậy, một thành phố được chiếu sáng tốt sẽ thỏa mãn người dân đô thị, tạo ra và trở thành một yếu tố quảng bá hình ảnh đô thị đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững.




Đèn LED, nguồn sáng hiện đại
Sử dụng các công nghệ chiếu sáng hiện đại, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo độ chiếu sáng là giải pháp tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng, chứ không thể đơn thuần là cắt giảm nguồn chiếu sáng. Sự ra đời của đèn LED đã giải quyết được bài toán này, đây là công nghệ chiếu sáng tiên tiến được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới với nhiều ưu điểm nổi bật, đó là: Với cùng một yêu cầu ánh sáng thì đèn LED sử dụng ít điện năng hơn so với những đèn phóng điện truyền thống vì có hiệu suất phát sáng cao hơn khoảng 10%, suy giảm ánh sáng qua kính đèn, bộ phận phản quang...; Tuổi thọ của đèn LED cao sẽ làm giảm đáng kể chi phí bảo dưỡng bảo trì hệ thống chiếu sáng hiện nay; Chỉ số hoàn màu cao, ánh sáng được kiểm soát tốt, đèn LED thực sự sẽ cải thiện tầm nhìn của người quan sát, tạo cảm giác thoải mái hơn khi tham gia lưu thông trên đường; Đèn LED có khả năng kiểm soát quang học cao giúp cho ánh sáng có tính định hướng tốt, hướng đến những nơi cần thiết nên sẽ tránh được tình trạng ô nhiễm ánh sáng; Chiếu sáng bằng đèn LED giảm khí thải CO2, không có độc thủy ngân là một lợi thế rõ ràng; Dễ dàng điều khiển tiết kiệm điện năng (Dimming): đèn LED có nhiều lợi thế so với các loại đèn phóng điện thông thường như khả năng khởi động nhanh, tích hợp công nghệ điện tử nên rất dễ dàng trong việc điều khiển tiết kiệm điện năng và điều khiển thông minh.

Bất cập việc sử dụng đèn LED ở Việt Nam
Việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng là một chủ trương đúng đắn và là xu hướng tất yếu bởi những ưu điểm vượt trội mà đèn LED mang lại. Tuy nhiên sử dụng đèn LED ở các đô thị của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều bất cập tồn tại. Hiện nay, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn, qui chuẩn cụ thể và đầy đủ cho việc thiết kế, sản xuất đèn LED. Chất lượng đèn LED sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu cũng chưa được kiểm soát bằng các tiêu chuẩn cụ thể dẫn đến thị trường tràn ngập đèn LED với những lời quảng cáo cho sản phẩm mà không được kiểm chứng đúng đắn. Bên cạnh đó, các thông tin, khuyến cáo sử dụng đèn LED cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Do vậy, khi đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Đèn LED chiếu sáng công cộng được quảng các trên thị trường chủ yếu đánh vào tâm lý tiết kiệm điện so với đèn truyền thống từ 40-50% điện năng tiêu thụ. Một số Nhà đầu tư còn khuyến cáo thay đèn LED công suất rất thấp (tiết kiệm đến hơn 70% điện năng) mà có thể tương đương với bóng đèn truyền thống hiện tại mà không cần xem xét đến các yếu tố như tiêu chuẩn, cấp đường, chất lượng chiếu sáng…. Tuy nhiên, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cũng cần phải được tính toán, lựa chọn loại đèn, công suất phù hợp cho từng loại đường được chiếu sáng đảm bảo các tiêu chuẩn
hiện hành.
Thứ hai: thực tế hiệu suất đèn LED hiện nay được lắp đặt trên lưới có hiệu suất xấp xỉ 120 lumen/watt chỉ cao hơn nguồn sáng Sodium cao áp khoảng 10%.
Thứ ba: Tuổi thọ của Modul LED hoặc bảng LED và bộ nguồn (Driver) đôi khi không đồng bộ với nhau (Modul LED: 50.000h, bộ nguồn: 15.000h) dẫn đến tuổi thọ chung của hệ thống không đúng như quảng cáo. Một vấn đề nữa, đối với các loại đèn LED chất lượng thấp khi mới lắp lên lưới sẽ cho các thông số khi đo kiểm tương đối tốt nhưng sẽ suy giảm rất nhanh chỉ sau từ ba đến sáu tháng sử dụng.
Thứ bốn: trong bộ nguồn cấp cho đèn LED của một số hãng không có các mạch bảo vệ quá dòng, quá nhiệt, quá tải, không có chống sét lan truyền... Đây là các yếu tố hết sức quan trọng đối với các thiết bị sử dụng công nghệ điện tử.
Thứ năm: Đối với đèn sử dụng nguồn sáng truyền thống, các bóng đèn đã được chuẩn hóa quốc tế về kiểu đui đèn và các công suất danh định: 70W, 100W, 125W, 150W, 400W, 1000W hay 2000W. Khi duy tu vận hành rất dễ dàng thay thế, sửa chữa và sản phẩm được cung cấp bởi nhiều hãng sản xuất, mang tính cạnh tranh cao. Trong khi đó, rất nhiều hãng LED có quảng cáo rất hay, với những công nghệ độc quyền hoặc đèn LED có cấu tạo mạch và hình dạng rất phong phú tuy nhiên nếu các Chủ đầu tư không tỉnh táo sẽ dẫn đến việc phụ thuộc hoàn toàn vào hãng LED đó mà không có đèn thay thế tương đương trong quá trình duy tu, bảo dưỡng hệ thống. Bên cạnh đó, công nghệ đèn LED phát triển rất nhanh nên vòng đời một sản phẩm LED là rất ngắn do vậy việc phụ thuộc vào một sản phẩm độc quyền nào đó hoặc hệ thống nhanh chóng bị lạc hậu sẽ vô hình tạo sự khó khăn cho Chủ đầu tư quản lý hệ thống chiếu sáng sau khi đã lắp đặt.
Thứ  sáu: Vấn đề về giá cả của đèn LED cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án, đây là nhân tố chủ yếu có tác dụng trực tiếp đến bài toán thu hồi vốn. Tuy nhiên, với những quảng cáo khác nhau về mẫu mã, chất lượng sản phẩm của mình,  các nhà cung cấp đèn LED đang đưa vào thị trường Việt Nam các mức giá hết sức đa dạng gây khó khăn cho Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn cũng như các cơ quan chuyên ngành thẩm tra, thẩm định các dự án liên quan tới đèn LED.
Giải pháp thực hiện
Để giải quyết được các vấn đề trên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là:Chính phủ, các Bộ ngành liên quan sớm ban hành các tiêu chuẩn cho việc thiết kế, sản xuất và kiểm soát chất lượng của đèn LED nhằm nâng cao chất lượng đèn LED, hạn chế được các sản phẩm trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam
Hai là: Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED phải được thiết kế, lắp đặt đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật của đèn LED tham khảo của các hãng đèn có uy tín trên thế giới như Phillips, Osram, Schreder…
Ba là: Hệ thống chiếu sáng cần được tính toán tuổi thọ cho toàn hệ thống bao gồm: Tuổi thọ bóng LED, Modul LED, bộ nguồn, các phụ kiện khác…
Bốn là: Tiêu chuẩn hóa đèn LED bằng việc sử dụng đèn LED lắp các Modul LED có tính lắp lẫn cao, không phụ thuộc vào các hãng sản xuất, chất lượng Modul LED tăng lên khi công nghệ thay đổi nhưng vẫn phù hợp với đèn LED đang sử dụng trên lưới. Với việc tiêu chuẩn hóa này không chỉ thuận tiện cho việc lắp đặt mà còn dễ dàng trong quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng.
Khi có các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cụ thể về đèn LED chúng ta sẽ dễ dàng so sánh, lựa chọn giữa giá cả và chất lượng. Các loại đèn LED có giá trị thực sự sẽ mang lại cho Chủ đầu tư một hệ thống chiếu sáng tin cậy, an toàn và lâu dài với đầy đủ các tính năng kỹ thuật cần thiết cho một bộ đèn LED chuẩn.
KS Lê Mạnh Phương
(Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và TBĐT)
Trích nguồn http://anhsangonline.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét