Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN THIẾT BỊ CHIẾU SÁNG

1. Yêu cầu chung
Mục đích của phần này là giới thiệu một số khái niệm cơ bản trong kỹ thuật chiếu sáng nhân tạo có liên quan đến việc phân loại, đánh giá chất lượng các thiết bị chiếu sáng. Ngoài ra, cần xây dựng các hướng dẫn trong việc lựa chọn thiết bị sử dụng cho chiếu sáng kiến trúc các nguyên tắc mà người thiết kế phải tuân thủ trong quá trình lựa chọn thiết bị chiếu sáng để dựa vào thiết kế. Hướng dẫn lựa chọn thiết bị phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Đơn giản, dễ tra cứu và áp dụng.
– Phù hợp với các chủng loại vật tư thiết bị chiếu sáng hiện có trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó phải cập nhật được các thông tin mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chiếu sáng hiện nay trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển và các nước trong khu vực.
2. Một số khái niệm có liên quan
a) Khái niệm: Bóng đèn (Lamp) hay còn gọi là nguồn sáng (Light source) là thiết bị có khả năng chuyển hóa năng lượng điện tiêu thụ thành năng lượng ánh sáng.
b) Một số đặc tính kỹ thuật cơ bản của bóng đèn:
b1. Điện áp U (V): đối với các bóng đèn sợi đốt là điện áp đặt trên 2 cực của bóng đèn, đối với các bóng đèn phóng điện trong khí là điện áp trên 2 cực của bộ đèn (bao gồm Bóng đèn – Balast – Bộ mồi (Kích điện) – Tụ điện.)
b2. Công suất P (W): là tổng công suất tiêu thụ điện năng của bóng đèn (không tính tổn hao công suất trên bộ điện đối với các bóng đèn phóng điện trong khí).
b3. Quang thông F (Lm): là tổng lượng quang thông phát ra từ bóng đèn.
b4. Hiệu suất phát quang N (Lm/W): là tỷ số giữa quang thông phát ra từ bóng đèn và công suất điện năng tiêu thụ của bóng đèn đó. Đây là chỉ số đánh giá tính hiệu quả của các loại bóng đèn khác nhau.
b5. Kích thước hình học của bóng đèn: tổng chiều dài, đường kính.
b6. Kiểu đui đèn: tùy thuộc vào đặc điểm cấu tạo của từng loại bóng đèn mà nhà sản xuất chế tạo các loại đui đèn với ký hiệu khác nhau như đui xoáy (E27, E40), đui cài (B’-2), đui ngạnh (G22)...
b7. Vị trí làm việc: đối với một số chủng loại bóng đèn phóng điện đặc biệt, do cấu tạo và thành phần hóa học của ống phóng điện nên để duy trì các đặc tính tiêu chuẩn của đèn trong quá trình làm việc thì vị trí lắp đặt của bóng đèn khi vận hành bị giới hạn bởi một phạm vi nhất định. Vị trí làm việc của bóng đèn (bất kỳ, nằm ngang hoặc nghiêng một góc nhất định so với phương nằm ngang v.v…) được quy định trong catalog kỹ thuật của bóng đèn do nhà sản xuất quy định.
b8. Nhiệt độ màu T (°K): nhiệt độ màu của bóng đèn (nguồn sáng) là nhiệt độ của vật phản xạ toàn phần (hay còn gọi là vật đen tuyệt đối) được đo bằng đơn vị độ Kenvin mà nhiệt độ đó có cùng bức xạ màu như bóng đèn (nguồn sáng) cần nghiên cứu. Nhiệt độ màu là trị số phản ánh gam màu ánh sáng của bóng đèn. Nhiệt độ màu càng thấp thì ánh sáng của bóng đèn càng có xu hướng Vàng – Nóng và ngược lại, nhiệt độ màu càng cao thì ánh sáng của bóng đèn càng có xu hướng Trắng – Lạnh.
b9. Chỉ số truyền đạt màu CRI (%): chỉ số truyền đạt màu của bóng đèn (nguồn sáng) là chỉ số thể hiện mức độ phản ánh một cách trung thực màu sắc của vật được chiếu sáng so với điều kiện được chiếu sáng bằng ánh sáng ban ngày.
b10. Tuổi thọ trung bình (h): tuổi thọ trung bình của một loại bóng đèn (nguồn sáng) là khoảng thời gian làm việc tính theo h kể từ khi bóng đèn bắt đầu được đưa vào sử dụng cho tới khi quang thông của bóng đèn suy giảm tới một giới hạn nhất định (thông thường là 80%) so với giá trị ban đầu.

Trích nguồn http://nghethuatchieusang.com